Lễ dạm ngõ (miền Tây Nam Bộ còn gọi là "Đám nói") là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình để nhà trai chính thức đặt vấn đề xin nhà gái cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi quyết định đi đến hôn nhân.
Dạm ngõ là buổi lễ nhỏ trong phạm vi gia đình, không rườm rà, thành phần tham dự chủ yếu là người nhà thân thiết. Ngày nay, lễ dạm ngõ được tổ chức đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thủ tục, lễ vật cần thiết.
Về phía nhà gái, cô dâu cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, chuẩn bị bàn ghế, trà nước, bánh kẹo để tiếp đón nhà trai. Cô dâu chú ý lau dọn cả bàn thờ để thắp hương, dâng lễ vật nhà trai mang sang. Buổi lễ chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình cho nên cô dâu không cần trang trí nhà cửa cầu kỳ.
Nhà trai chuẩn bị lễ vật gì?
Thông thường, nhà trai sẽ chuẩn bị một cơi trầu, phủ vải nhiễu đỏ, hình thức đơn giản, có thể thêm lẵng hoa quả, bánh kẹo tùy điều kiện. Ở miền Bắc, số lượng mỗi loại lễ vật phải là chẵn, ví dụ hai gói chè, hai chục cau, hai chục lá trầu... Còn ở miền Tây Nam Bộ, lễ vật quan trọng nhất chính là trầu cau, trà, rượu và mâm ngũ quả.
Dù theo cách truyền thống hay hiện đại thì cũng lễ dạm ngõ cũng là dịp hai nhà bàn bạc chuyện hôn nhân trọng đại của đôi uyên ương. Vì thế trước khi buổi lễ diễn ra, hai gia đình nên đi xem ngày lành tháng tốt, tìm hiểu trước về nghi thức cưới để thống nhất trong ngày dạm ngõ.
Dạm ngõ là buổi lễ nhỏ trong phạm vi gia đình, thành phần tham dự chủ yếu là người nhà thân thiết, nên không đặt nặng vấn đề lễ nghi, hình thức mà hướng đến bầu không khí thân mật, ấm cúng giữa hai bên.
Bởi vậy, người phát biểu của nhà trai có thể mở đầu câu chuyện bằng việc chào hỏi, giới thiệu bản thân và thành viên bên nhà trai. Tiếp đến là trình bày mục đích của buổi gặp gỡ, trình lễ vật (trầu cau).
Sau những nghi lễ ban đầu, hai gia đình nên trò chuyện cởi mở, giữ bầu không khí thân tình khi bàn bạc chuyện hôn nhân của uyên ương.